Lái xe đường sương mù tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm liên quan đến tính mạng. Chính vì vậy nó đòi hỏi người tài xế phải có nhiều năm kinh nghiệm và kỹ năng lái xe cực tốt để có thể bình tĩnh xử lý những tình huống bất ngờ phát sinh
Việc thời tiết thay đổi thất thường trong ngày khiến độ ẩm không khí mất đi sự cân bằng, dẫn đến hiện tượng sương mù. Hiện tượng sương mù thường xảy ra vào thời điểm vào mùa xuân và mùa đông. Đặc biệt ở miền Bắc, hiện tượng này còn thường xuyên xuất hiện vào thời điểm giao mùa xuân - hạ. Sương mù dày đặc nhất vào buổi sáng sớm và cuối giờ chiều chuyển sang đêm.
Phải lái xe đường sương mù quả thực là không hề dễ dàng, kể cả đối với những người tài già. Thực tế thì khi lái xe trong điều kiện sương mù dày đặc, tầm nhìn của tài xế bị hạn chế, tốt nhất thì cũng ở khoảng cách 5-7m. Cùng với đó, hầu như tình trạng sương mù còn xảy ra quanh năm đối với khu vực miền núi phía Bắc, nơi mà địa hình dốc đèo khúc khuỷu, quanh co cực kỳ khắc nghiệt.
Ngoài kinh nghiệm lái xe lâu năm, các bác tài thật sự cần có kỹ năng lái cực tốt mới có thể điều khiển phương tiện vượt qua hành trình khó nhằn này. Bởi sương mù không chỉ đơn giản là hiện tượng thời tiết, nó còn là 'tử thần giấu mặt' trên những cung đường.
Những khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn khi lái xe đường sương mù
Thực tế ghi nhận rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế bị hạn chế tầm nhìn mà không kịp xử lý khi điều khiển phương tiện di chuyển trong điều kiện sương mù dày đặc. Ví dụ như vụ tai nạn thảm khốc do sương mù năm 1990 ở Tennessee, Mỹ khiến cho 54 người thương vong, hay vụ tai nạn liên hoàn 200 chiếc xe tại Alabama, Mỹ với con số thương vong lên đến 91 người...
Tại Việt Nam, từng có không ít vụ va chạm, lật đèo xảy ra ở Tam Đảo, Yên Bái hay Sapa do 'bức tường trắng' sương mù. Chính vì thế, đối với các bác tài thường xuyên phải di chuyển ở những cung đường đèo, sương mù thật sự là một nỗi ám ảnh!
Tuy nhiên, với điều kiện kiến trúc hạ tầng đang ngày càng phát triển, cũng như việc các hãng xe chú trọng trang bị loạt tính năng hiện đại cho ô tô, có lẽ sẽ với bớt đi nỗi lo, áp lực của các tài xế khi lái xe đường sương mù.
Chỉ cần tập trung cao độ, tâm lý vững vàng và nắm chắc một số quy tắc quan trọng, các bác tài sẽ sở hữu kỹ năng lái xe đường sương mù cực tốt, giúp cho chuyến hành trình diễn ra thuận lợi, đảm bảo được sự an toàn cho bản thân và cho cả những người lưu thông khác.
1. Xác định rõ lộ trình
Sương mù dày đặc nhất vào sáng sớm và chiều tối về đêm, nên nếu như không có việc gì quan trọng, tốt nhất không lái xe vào thời điểm này.
Nếu buộc phải di chuyển trong thời điểm sương mù dày đặc, tài xế cần xác định rõ cung đường đi thuận tiện và an toàn nhất. Tốt nhất, tài xế có thể xem thêm dự báo thời tiết để chủ động hơn khi gặp tình huống xấu như sương mù kèm mưa, lốc gió...
2. Kiểm tra xe cẩn thận trước khi khởi hành
Kể cả lái xe đường dài hay di chuyển một quãng đường ngắn, trước khi khởi hành các tài xế nên kiểm tra toàn bộ các chi tiết của xe. Đây chính là kinh nghiệm lái xe cực kỳ hữu ích mà bất kỳ người cầm lái nào cũng nên ghi nhớ.
Đặc biệt phải lái xe trên cung đường nhiều sương mù, điều kiện không thuận lợi cho tầm nhìn cũng như bề mặt đường trơn dễ xảy ra trơn trượt, tai nạn thì tài xế càng phải kiểm tra kỹ càng hơn.
- Kiểm tra đai an toàn
- Kiểm tra hệ thống đèn xe
- Kiểm tra phanh, còi
- Kiểm tra cần gạt nước trên ô tô
- Kiểm tra lốp xe
- Kiểm tra hệ thống điều hòa
- Kiểm tra xăng, động cơ
Trong đó, tài xế đặc biệt chú ý đến hệ thống đèn xe. Ngoài hỗ trợ tầm nhìn của người lái, đây cũng là chi tiết quan trọng để các xe lưu thông ngược chiều có thể nhận diện được nhau trong không gian phủ đặc sương mù.
3. Khi lái xe cần phải tập trung cao độ
Tập trung lái xe, không để phân tâm như mải nghe nhạc, bật DVD, trò chuyện điện thoại... bởi cái giá phải trả cho việc không tập trung điều khiển phương tiện là quá đắt. Hãy luôn quan sát màn hình hiển thị để nắm rõ được tình hình đang diễn ra, đồng thời hạ cửa kính xuống một chút để lắng nghe mọi việc xung quanh.
4. Lái xe đường sương mù với tốc độ chậm
Để quan sát tốt và có thể xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ xảy ra, tài xế cần phải giảm tốc độ khi lưu thông trên đường nhiều sương mù. Duy trì tốc độ ổn định, tránh tăng tốc/giảm tốc đột ngột, ảnh hưởng đến những xe phía trước hoặc đang di chuyển phía sau và cũng gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Không phanh xe đột ngột, tránh nguy cơ bị trượt, lật xe do đường trơn.
5. Đi đúng làn đường, hạn chế vượt xe
Khi di chuyển trên cung đường khó khăn như có nhiều sương mù, tài xế càng phải chấp hành đúng luật lệ giao thông hơn bao giờ hết. Đi đúng làn đường, hạn chế vượt xe, nếu muốn vượt cần phải ra tín hiệu và giữ tín hiệu một lúc lâu đủ để các xe xung quanh nhận diện được. Khi vượt, cần tăng tốc dứt khoát theo đường thẳng sau đó nhanh chóng quay về làn đường đúng của mình.
6. Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
Sương mù luôn chứa đựng những hiểm nguy bất ngờ mà nếu không có đủ thời gian, tài xế sẽ không thể nào xử trí kịp. Tốt nhất, hãy luôn giữ khoảng cách với xe đi phía trước một khoảng xa hơn so với lúc di chuyển trong điều kiện thời tiết bình thường. 'Cẩn thận không bao giờ thừa!' - đó là những gì mà các chuyên gia giàu kinh nghiệm về ô tô luôn chia sẻ với những người cầm lái.
7. Sử dụng đèn xe hợp lý
Một trong nhũng kỹ năng lái xe đường sương mù đó chính là sử dụng đèn xe hợp lý. Theo đó, nên sử dụng chế độ đèn cốt chiếu gần thay vì chế độ đèn pha. Nếu sử dụng đèn pha, ánh sáng sẽ phản xạ lại khi gặp hơi nước trong sương mù càng khiến cho người lái khó quan sát hơn.
Trong khi nếu sử dụng chế độ đèn cốt, ánh sáng chiếu trong phạm vi gần giúp tài xế nhìn rõ hơn mọi việc, kết hợp với điều chỉnh tốc độ hợp lý thì chuyến hành trình sẽ diễn ra nhẹ nhàng.
Nếu sương mù ngày càng dày đặc, tài xế có thể bật đèn sương mù phía sau xe và đèn khẩn cấp để các xe di chuyển xung quanh có thể nhận diện được vị trí của mình rõ ràng hơn.
Nếu như công việc thường xuyên phải di chuyển trong điều kiện sương mù, chủ xe cần lắp đặt thêm đèn sương mù ở phía trước xe. Hoặc cũng có thể tự tay 'biến hình' đèn sương mù bằng cách dán đè lên đèn pha 1 tấm nhựa trong suốt màu vàng. Nghiên cứu khoa học cho thấy, ánh đèn vàng thật sự tốt cho tầm nhìn của lái xe khi đi đường sương mù.
8. Sấy tấm kính chắn gió
Sương mù vốn là hiện tượng tích tụ hơi nước, khi độ ẩm không khí cao sẽ gây ra mưa nhỏ, khiến cho tấm kính chắn đọng nhiều nước, tạo thành một lớp màng chắn gây ảnh hưởng đến sự quan sát của tài xế. Việc cần làm để đối phó với tình trạng này đó chính là khởi động gạt nước trên ô tô và bật chế độ sấy kính.
9. Kinh nghiệm sử dụng phanh khi đổ đèo
Khi đổ đèo, kinh nghiệm lái xe an toàn nhất đó chính là biết cách sử dụng phanh hợp lý. Đối với xe số sàn, nhấn và giữ chân phanh nhẹ nhàng đồng thời giảm tốc độ, sau đó ấn côn chuyển về số phù hợp với vận tốc. Trong khi đó, chuyển cần số về chế độ S/L1, L2 và điều chỉnh số thấp, từ từ giảm tốc độ để xuống đèo.
Hiện nay trên thị trường các hãng cũng đã trang bị cho các mẫu xe sang đời mới nhiều tính năng an toàn hiện đại, trong đó có hệ thống hỗ trợ lên dốc, ngang dốc và xuống dốc.
10. Dừng lại nếu sương mù quá dày đặc
Nếu thời tiết diễn biến xấu, sương mù dày đặc không thể di chuyển, tài xế cũng không nên liều lĩnh để cố đi tiếp. Hãy tìm một chỗ đỗ xe an toàn, dừng lại 1 lúc để xem xét tình hình. Nên nhớ khi tìm chỗ đỗ xe, cần bật đèn ra tín hiệu cho các xe đi sau nhận diện rồi từ từ tạt vào vệ đường.
Một lần nữa chúng tôi cần các bạn phải thật chú ý về điều này, không được dừng xe đột ngột, hoặc bất ngờ tấp vào vệ đường khiến cho các xe ở phía sau không kịp xử lý.
Theo: Banglaixequocte.net
Các tin liên quan:
Đổi bằng lái xe quốc tế IAA do Mỹ cấp
Đổi bằng lái xe quốc tế IDP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp
Đổi giấp phép lái xe nước ngoài sang GPLX Việt Nam cho người nước ngoài
Đổi mới và gia hạn giấy phép lái xe Việt Nam hết hạn
Nhận hồ sơ đào tạo lái xe oto B1, B2, C do Sở GTVT cấp