Xe nhanh "tã" còn vì dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ở Việt Nam chưa thực sự tốt, đúng quy trình ngay cả ở chính hãng.
Đọc bài "Xe nhanh tã vì người Việt tiếc tiến bảo dưỡng" tôi cho rằng đúng nhưng chưa phản ánh đầy đủ. Tôi thấy dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ở Việt Nam chưa thực sự tốt, đúng quy trình, ngay cả ở chính hãng và không có tính giáo dục phổ cập kiến thức dùng xe bền bỉ cho khách hàng.
Tôi bàng hoàng chứng kiến nhiều tiệm rửa xe dám rửa khoang máy bằng cách xịt nước áp lực cao vào cả hệ thống ECU, cầu chì, máy phát, cảm biến... họ gần như không trang bị kiến thức gì (kể cả chủ xe). Tôi thông cảm với nhiều người tiếc tiền bảo dưỡng vì nguyên nhân đến từ bảo dưỡng chính hãng giá quá cao, hay vẽ vời ra một số hạng mục "lạ", tốn kém dẫn đến tâm lý tiếc tiền của một bộ phận người mua xe chưa thực sự dư dả tài chính. Họ mua xe trả góp, mua xe cũ, mua xe quá tầm tài chính, mua xe để kinh doanh.
Ví dụ lỗi rò rỉ nước làm mát, có thợ hoặc hãng chưa kiểm tra đã "vẽ" ra phải thay một loạt đường ống, két nước hết vài chục triệu, tuy nhiên đưa ra gara uy tín họ chỉ cần một dụng cụ nén áp suất vào bình nước phụ, chỗ rò rỉ bị xì ra và thay một cái ống hết 700.000 đồng. Cùng lắm thay thêm vài cái ống lão hóa nữa cho yên tâm cũng chỉ mất vài triệu đồng.
Hoặc việc thay dây curoa cam, tăng cam, (dây đai điều khiển dàn cam cò, xu páp) cần thay định kỳ từ 800.000 đồng đến một triệu, nếu dây này bị đứt khi đang chạy sẽ gây hậu quả như cong, vỡ piston.. phải bổ máy.
Tiếp theo dùng nước làm mát thế nào cho chuẩn, khi nào thay van hằng nhiệt? Thậm chí có gara vẫn đổ nước lọc, nước máy cho khách mà không dùng nước làm mát chuyên dụng dẫn tới nhiều người vẫn cho rằng nước làm mát chỉ cần đổ nước lọc là chuẩn và nhiều xe bị hư hỏng nặng do nước lọc đóng cặn, van hằng nhiệt bị kẹt không mở được, nước lọc ăn mòn mặt máy phải đại tu tốn kém. Tệ hơn, các gara không uy tín còn dùng nước làm mát "nhái" đóng lô đựng trong những can lớn, thường loại này kém phẩm chất, không có độ nhờn nhẹ, dùng cho xe tải để tiết kiệm, hậu quả khôn lường khi đổ cho xe hơi đắt tiền.
Dầu nhớt: nhiều người vẫn không nắm được xe mình đổ dầu nhớt chỉ số nào, vẫn tùy tiện thay nhớt ở các tiệm rửa xe ven đường loại nhớt chất lượng kém. Có nhiều chủ xe lại chỉ quan tâm thay nhớt máy, nhớt hộp số họ quên luôn không thay. Hoặc sau 100.000 km, cũng ít người súc rửa khoang máy, hạ các-te xuống để làm sạch cặn, tránh bị kẹt bơm nhớt.
Đối với hệ thống gầm, việc phải đảo bánh, cân chỉnh độ chụm, cân chỉnh mâm xe sau 80.000 km giúp hệ thống gầm và lái bền bỉ hơn, an toàn hơn không phải ai cũng biết hoặc... tiết kiệm vài trăm ngàn không làm.
Những kiến thức cơ bản như vậy lại không được hướng dẫn, ngay cả sách hướng dẫn bảo dưỡng cũng chỉ nói qua loa chứ không có cảnh báo về hậu quả thì ai biết sợ đâu. Nhiều người vì ỷ lại xe mới bảo hành, bảo dưỡng chính hãng sau vài năm không cập nhật kiến thức, đến khi hết bảo hành mang ra ngoài họ gần như mù tịt, phó mặc cho thợ xử lý, không giám sát được. Việc nắm được kiến thức giúp bạn bảo dưỡng xe bền bỉ, còn tránh được việc vào gara "rỏm", vẽ vời tốn kém.
Theo: VNE
Các tin liên quan:
Đổi bằng lái xe quốc tế IAA do Mỹ cấp
Đổi bằng lái xe quốc tế IDP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp
Đổi giấp phép lái xe nước ngoài sang GPLX Việt Nam cho người nước ngoài
Đổi mới và gia hạn giấy phép lái xe Việt Nam hết hạn
Nhận hồ sơ đào tạo lái xe oto B1, B2, C do Sở GTVT cấp